Từ nguyên Tăng thống

Trung Quốc

Danh xưng Tăng thống (chữ Hán: 僧統) bắt nguồn từ Trung Hoa, được lập thời Bắc Ngụy, thời kỳ đầu được gọi là Đạo nhân thống (道人統), Sa-môn thống (沙門統), Đô thống (都統), Chiêu Huyền thống (昭玄統).

Từ giữa thế kỷ IV, Phật giáo phát triển mạnh mẽ và dần có sự ủng hộ chính thức của triều đình tại Trung Hoa. Theo sách Đại Tống tăng sử lược, quyển Trung, có chép là thời nhà Hậu Tần, hoàng đế Diêu Hưng bắt đầu cho lập Tăng quan (僧官) là các vị quan trông coi các vị sư, với chức danh Tăng chính (僧正) là người đứng đầu trông quản Phật giáo.

Theo một tác phẩm vào thời Bắc Ngụy là Thích Lão chí thì vào năm đầu tiên của Đạo Vũ đế nhà Bắc Ngụy, ở quận Triệu có Sa-môn tên là Pháp Quảgiới hạnh tinh nghiêm, mở trường thuyết pháp, được vua cho vời (trưng bổ) làm Đạo nhân thống. Không lâu sau, chức này được đổi thành là Sa-môn thống, do vị tăng Đàm Diệu (曇曜) giữ chức, cũng gọi là Sa-môn đô thống hoặc Chiêu Huyền thống vì gọi theo tên của cơ cấu tăng quan trung ương là Chiêu Huyền tự (昭玄寺, trước đó mang tên Giám Phúc tào 監福曹). Sau đó các vị giữ chức đều được gọi là Chiêu Huyền thống.

Khi nhà Ngụy thống nhất được miền Bắc Trung Hoa, đã cho đổi chức danh Tăng chính thành Tăng thống để thống lĩnh tăng ni. Sử chép thời kỳ này có vị Sa-môn người Kế Tân (罽賓) là Sư Hiền (師賢) đến Trung Hoa, du phương (đi chơi) đến đất Lương, sau đến kinh đô, nhằm lúc Phật pháp gặp nạn (440-451) bèn tạm giữ nghề bốc thuốc để không phải đổi đạo. Sau khi Phật pháp được trùng hưng, sư lại trở thành Sa-môn cùng với năm người bạn. Vua Ngụy lúc đó là Văn Thành đế kính mến, tự tay cắt tóc cho sư, chiếu lệnh phong làm Tăng thống. Đây là vị tăng nhân đầu tiên được ghi chép giữ chức Tăng thống trong lịch sử.

Vào thời Bắc Tề năm 550, Văn Tuyên đế cử 10 vị tăng nhân làm Chiêu Huyền thống và trong đó, Sa-môn Pháp Thượng đứng đầu, được gọi là Chiêu Huyền Đại thống và 9 người còn lại là Thông thống (通統), cùng nhau trông coi hơn 40.000 tăng ni. Năm 581, Tùy Văn Đế sắc phong cho Tăng Mãnh chức "Tùy quốc Đại thống". Mười năm sau lại dùng chức Chiêu Huyền thống.

Từ đời nhà Đường trở đi, vương triều bỏ chức Tăng thống, lập chức Tăng lục (僧錄). Nhà Tống bỏ chức vụ này, nhưng nó lại được dùng lại đời nhà Nguyên với danh hiệu là Thích giáo Tổng thống (釋教總統).

Việt Nam

Tại Việt Nam, từ thế kỷ X, Vua Đinh Tiên Hoàng thiết trí chức Tăng thống nhưng cũng đồng thời giữ chức Tăng lục. Khuông Việt Đại sư được phong chức Tăng thống và sau đó, vào năm 971, võ quan Trương Ma Ni cũng được Đinh Tiên Hoàng phong chức Tăng lục đạo sĩ. Đây là lần đầu tiên chức Tăng thống được nói đến trong lịch sử Việt Nam và sau này, cho đến thời nhà Trầnnhà Lê vẫn còn được sử dụng. Nhiệm vụ của người giữ chức này, tuy sử sách không ghi lại rõ ràng song vẫn có thể hiểu như một chức để quản lý các sư sãi ở trong nước.

Triều đình nhà Nguyễn đề cao Nho học, không lập chức Tăng thống.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tăng thống http://amazinglanka.com/wp/thotagamuwe-sri-rahula/ http://ki-media.blogspot.com/2006/05/former-member... http://calitoday.com/news/view_article.html?articl... http://www.calitoday.com/news/view_article.html?ar... http://linhmu.com/httdh.htm http://www.quangduc.com/English/figure/17mostvengi... http://www.burmalibrary.org/docs07/Scott_1-2-red.p... http://www.thuvienhoasen.org/danhtang1-giaidoan4-5... https://books.google.com/books?id=KywYAAAAYAAJ https://books.google.com/books?id=QXcAAAAAMAAJ